Nấc cụt thường xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khiến những người phụ nữ lần đầu làm mẹ thực sự lo lắng. Chúng trở đi trở lại làm bé không thoải mái, và khiến các bậc phụ huynh như “ngồi trên đống lửa”, không ngừng tìm đủ các biện pháp chữa trị.
Tuy nhiên, mẹ không cần quá nóng ruột, hãy thử tìm hiểu một số nguyên nhân dẫn đến nấc cụt và cách ngăn chặn như thế nào qua bài chia sẻ dưới đây của Resolutebay nhé.
Tại sao bé yêu thường bị nấc cụt?
Nấc cụt phổ biến đến mức có thể bé đã từng bị ngay khi còn nằm trong bụng mẹ mà mẹ không hề hay biết. Các bác sĩ đã chứng minh được rằng thai nhi có thể bị nấc từ giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai trở đi, nhất là trong lúc đang nuốt nước ối. Vậy còn khi bé đã chào đời, đâu là nguyên nhân khiến bé bị nấc?
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới của bé kém phát triển, chắn ngang giữa thực quản và dạ dày, ngăn chặn sự di chuyển của thức ăn khiến thức ăn tràn vào thực quản. Tình trạng này kết hợp với việc axit trong dạ dày tác động đến các tế bào thần kinh làm cho cơ hoành rung lên, dẫn đến nấc cụt.
Ăn quá nhiều
Khi bé ăn nhiều, dạ dày sẽ bị đầy hơi và khó chịu. Lúc này, khoang bụng mở rộng đột ngột khiến cơ hoành co thắt liên tục và làm cho bé yêu bị nấc.
“Hít” nhiều không khí
Nếu bé đang bú bình thì tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Đó là vì bé bị ngợp với lượng không khí quá mức trước khi sữa trong bình chảy đến miệng. Luồng khí gây ra các tác động tương tự như khi ăn quá nhiều, do đó gây ra nấc cụt.
Dị ứng
Một số protein được tìm thấy trong sữa công thức hoặc thậm chí là sữa mẹ có thể dẫn đến viêm thực quản (Eosinophilic). Trong một số trường hợp, dị ứng có thể là do sự thay đổi tỉ lệ chất trong khẩu phần ăn thường ngày của mẹ. Phản ứng tiếp theo của tình trạng này là cơ hoành sẽ rung lên tạo ra tiếng nấc.
Hen suyễn
Khi bé bị hen, các ống phế quản của phổi bị viêm nên hạn chế luồng không khí đi vào phổi. Đây là nguyên nhân khiến bé thở khò khè, cơ hoành co thắt và dẫn đến nấc cụt.
Chất kích thích trong không khí
Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều có hệ thống hô hấp nhạy cảm. Chính vì vậy, bất kỳ tác nhân nào trong không khí như khói, ô nhiễm hoặc mùi hương quá nồng cũng có thể tác động đến tuyến hô hấp, khiến bé bị ho hoặc ngợp. Tương tự như những phản ứng khác, bé ho làm cho cơ hoành co thắt liên tục và phát ra tiếng nấc.
Giảm nhiệt độ đột ngột
Đôi khi nhiệt độ giảm nhanh chóng cũng khiến cơ bắp của bé co lại. Yếu tố này tưởng chừng như không ảnh hưởng gì đến trẻ, tuy nhiên, nó có thể kéo theo sự co thắt của cơ hoành và gây ra tình trạng nấc cụt liên miên.
Mẹ không nên hoảng sợ quá mức khi bé bị nấc cụt. Thay vì vậy, bạn nên xác định, phân tích kỹ nguyên nhân khiến trẻ nấc và xử lý ngay lúc đó để hạn chế sự khó chịu cho con yêu. Để dành trọn vẹn sự chăm sóc tốt nhất cho bé, mẹ có thể ghi chép lại quá trình theo dõi hiện tượng nấc cụt xuất hiện ở con để kịp thời chấm dứt hoặc ngăn ngừa nấc.
Những cách để ngăn chặn chứng nấc cụt ở trẻ
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh!” Hãy tham khảo một số biện pháp phòng tránh nấc cụt hiệu quả cho bé dưới đây nhé mẹ ơi!
Bằng cách cho bé ăn theo chế độ vừa phải, hợp lý, mẹ có thể ngăn chặn tình trạng nấc cụt. Theo William Sears – một bác sĩ nhi nổi tiếng ở Mỹ, cho trẻ ăn quá nhiều là nguyên nhân phổ biến gây nấc cụt.
Mẹ nên lưu ý một số điểm dưới đây khi cho bé ăn:
Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ăn một bữa lớn với lượng thức ăn quá nhiều.
Khi cho con bú bình, nên giữ bé thẳng lưng, tốt nhất là ngả người một góc 35 đến 45 độ, như vậy sẽ cho phép dòng sữa chảy qua thực quản một cách dễ dàng, đồng thời hạn chế việc bé bị “sặc”.
Nếu bé có thể ngồi vững được, mẹ nên để bé ăn hoặc bú bình ở tư thế ngồi.
Trong khi cho con bú, phải đảm bảo rằng miệng bé che kín toàn bộ núm vú. Đặc biệt, mẹ có thể lắng nghe âm thanh phát ra mỗi lần bé nuốt sữa xuống, nếu âm thanh phát ra lớn thì tức là bé đang nuốt phải rất nhiều không khí trong đó và có khả năng rất dễ bị nấc.
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ dụng cụ uống sữa của bé để tránh đọng sữa dư lại, tích tụ thành chất rắn gây nghẹn cho bé.
Không bao giờ để bé vừa bú bình vừa ngủ. Không giống như bú ti mẹ, sữa trong bình liên tục chảy ngay cả khi bé không cắn vào núm bình. Do đó, ngoại trừ việc gây sâu răng, bé còn rất dễ bị nấc do sặc hoặc sữa chảy ra quá nhiều.
Trong khi có bé ăn, mẹ có thể chủ động gây ợ cho bé bằng cách bế bé lên vai và nhẹ nhàng vỗ vào lưng, sau đó cho bé nghỉ ngơi vài phút để thức ăn đi xuống dạ dày rồi mới tiếp tục bữa ăn.
Thoát khỏi tình trạng nấc cụt ở trẻ bằng cách nào?
Tuy mẹ đã thực hiện đầy đủ những biện pháp hạn chế nấc cụt nhưng bé vẫn bị, vậy thì mẹ sẽ làm gì? Cùng tham khảo những chia sẻ bên dưới để chấm dứt tình trạng nấc cụt của bé nhé!
Cho bé ngậm một ít đường
Đây là một phương pháp đã được áp dụng từ rất lâu. Theo các bác sĩ nhi khoa, đường sẽ làm giảm sự căng thẳng của cơ hoành, từ đó làm cho bé hết nấc cụt. Nếu bé đã có khả năng ăn được thức ăn cứng, có thể cho một ít đường trắng vào đầu lưỡi của bé. Trong trường hợp bé chưa thể ăn được, hãy dùng núm bình bôi một ít mật ong hoặc siro bên ngoài và cho bé ngậm vào.
Massage lưng
Thông thường, biện pháp này cũng là một cách trực tiếp để giảm tình trạng nấc cụt rất hiệu quả. Đặt bé trong tư thế ngồi thẳng và nhẹ nhàng xoa lưng từ dưới lên đến vai. Điều này sẽ giúp cơ hoành được nới lỏng, “thư giãn” và nhanh chóng chấm dứt nấc.
Giữ trẻ đứng thẳng sau khi bú
Sau khi cho bé bú, mẹ nên giữ bé đứng thẳng trong khoảng 15 phút. Điều này sẽ giúp cơ hoành nằm yên ở vị trí tự nhiên và không xảy ra bất kỳ tình trạng rung cơ nào. Lúc này, mẹ cũng có thể chủ động gây ợ để đẩy luồng không khí bên trong dạ dày ra ngoài, đồng thời giảm sự căng thẳng cho cơ hoành.
Đánh lạc hướng bé
Trong trường hợp bé bị nấc, hãy thử đánh lạc hướng bằng một thứ đồ chơi mà bé thích hoặc một hành động bất kỳ nào thu hút sự chú ý, thậm chí là một đoạn nhạc, đoạn video bé hay xem. Khi đó các xung thần kinh mới sẽ được kích hoạt và làm bé quên đi việc mình đang bị nấc cụt.
Cho bé uống nước
Một lưu ý rằng các bác sĩ không khuyến khích biện pháp này, tuy nhiên, hầu hết bố mẹ thường áp dụng cách này để hạn chế tình trạng nấc hiện tại của bé.
Những điều mẹ không bao giờ nên làm khi bé bị nấc
Có một số phương pháp hạn chế nấc cụt chỉ nên áp dụng cho người lớn. Do vậy, mẹ nên lưu ý để tránh làm ảnh hưởng đến bé.
Làm cho bé giật mình: Đừng bao giờ làm con giật mình hoặc dọa bé sợ đến phát khóc để khiến bé ngừng nấc. Những tiếng động lớn có thể làm tổn thương màng nhĩ nhạy cảm của con. Nó cũng có thể dẫn đến việc chấn thương đại tràng.
Cho bé ăn bánh kẹo chua: Kẹo chua có tác dụng tuyệt vời để làm giảm nấc ở người lớn nhưng không có nghĩa là có thể áp dụng cho trẻ, ngay cả khi bé đã đủ 12 tháng tuổi. Hầu hết các loại kẹo chua đều có chứa axit và không tốt cho dạ dày của bé.
Đánh mạnh vào lưng em bé: Những dây chằng trong cơ thể bé vẫn chưa đủ sức để chịu những tác động lực quá lớn, do đó có thể dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng. Vì lý do này, không nên vỗ lưng bé để ngăn bé nấc. Thay vào đó, mẹ có thể chạm nhẹ nhàng.
Nhấn nhãn cầu: Cơ mắt và những bộ phận ở mắt bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện. Do đó, dù là nhấn nhãn cầu mắt nhẹ thì cũng sẽ gây tổn thương, thậm chí khiến bé không thể đưa nhãn cầu trở lại bình thường.
Kéo lưỡi hoặc chân tay: Tương tự như mắt, hệ xương và khớp của bé vẫn chưa thật sự cứng cáp, do vậy không chịu được lực kéo. Bố mẹ tuyệt đối không kéo lưỡi, chân hoặc tay của bé khi bị nấc.
Nấc cụt là một tình trạng phổ biến, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên nếu bé bị nấc quá lâu, nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Khi nào thì nên gặp bác sĩ?
Trường hợp bé bị trào ngược dạ dày thực quản
Nếu tình trạng nấc của bé diễn ra trong thời gian quá dài và thường xuyên bị ợ hoặc nôn nhẹ, bé có khả năng rất cao là đã mắc phải bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Một số bệnh lý khác của triệu chứng này như là bé hay quấy khóc sau khi ăn vì khó chịu, lưng cong, ợ hơi. Những lúc này, mẹ nên cho bé đến bác sĩ ngay lập tức.
Nấc khiến bé không ăn được hoặc không ngủ được
Thỉnh thoảng bé có thể bị nấc, nhưng nếu nấc cụt cản trở các hoạt động hàng ngày của bé như ăn, ngủ, chơi đùa thì mẹ phải đưa bé đến bác sĩ để kịp thời chữa trị, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Khi nấc kéo dài hàng giờ hoặc nhiều ngày
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có thể bị nấc thường xuyên, nhưng tình trạng này sẽ kéo dài trong vài phút hoặc nhiều nhất là một giờ. Những trường hợp thông thường, bé sẽ không thấy khó chịu lắm nên không hề quấy khóc, mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng nấc diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ liên tục hoặc thậm chí là nhiều ngày thì có thể, bé đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Đôi lúc, khi bé nấc còn kèm cả tiếng khò khè bất thường. Để ngăn chặn những điều không tốt xảy đến, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để “truy lùng” được nguyên nhân sâu xa và ngăn chặn dứt điểm.
Nhìn chung, nấc cụt là một trong những điều rất thường xuyên xảy ra, ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do vậy, mẹ không cần quá lo lắng, nôn nóng áp dụng một lúc quá nhiều phương pháp chữa trị. Đôi khi, sự nôn nóng đó chính là nguyên nhân khiến bé bị nấc cụt nặng hơn. Những trường hợp bé nấc, mẹ nên bình tĩnh quan sát cẩn thận, lắng nghe âm thanh phát ra sau mỗi lần nấc đề phỏng đoán lý do. Đối với một vài trường hợp bất thường, dù dùng biện pháp nào thì bé cũng không hết nấc, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ nhi để chữa trị.
Trả lời