Thị giác thật sự là món quà trời ban đối với những ai may mắn sinh ra không bị mất đi nó. Tuy nhiên con người thường có xu hướng bỏ bê món quà này chỉ vì công việc và những phương tiện giải trí. Đôi mắt của chúng ta thường xuyên chịu nhiều căng thẳng và mệt mỏi trong khi chủ nhân của nó không hề quan tâm.
Chúng ta kết thúc 1 ngày làm việc từ 8 – 9 tiếng trước màn hình máy tính. Vậy mà về đến nhà chúng ta lại lao vào chơi game, lướt điện thoại đến tối khuya. Cuộc sống hiện đại ngày nay đã khiến con người trở thành nô lệ của điện thoại, máy tính. Cứ như vậy đôi mắt quý báu của bản thân đang cố gắng từng ngày phục vụ nhu cầu chủ nhân của nó.
Hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính (CVS) là kết quả từ việc tiếp xúc các công nghệ kỹ thuật số mỗi ngày như điện thoại, máy tính….. Trên thế giới, hội chứng CVS ảnh hưởng đến khoảng 60 triệu người. Và nếu chúng ta tiếp tục bắt đôi mắt làm việc cật lực mà không thực hiện các biện pháp phòng ngừa? Kết quả chắc chắn sẽ dẫn đến các biến chứng về mắt sau này.
Chúng ta không thể bỏ qua công việc dù biết nó gây hại cho đôi mắt nhưng có thể tìm cách bảo vệ nó. Ít nhất là có thể tìm hiểu những biện pháp phòng ngừa và chăm sóc cho đôi mắt khỏe đẹp.
Nếu bạn muốn biết thêm cách chăm sóc đôi mắt trong khi sử dụng máy tính và điều trị hội chứng CVS, hãy cùng Resolute Bay tìm hiểu những thông tin sau đây.
Hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính là gì?
Hội chứng rối loạn thị giác (CVS) là 1 thuật ngữ được dùng để mô tả các vấn đề về mắt hoặc thị giác xảy ra do sử dụng máy tính lâu dài. Nó cũng thường được biết đến với tên gọi hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khoảng 50% – 90% người làm việc với màn hình máy tính có ít nhất một 1 triệu chứng của hội chứng CVS.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa chỉ người lớn mới bị ảnh hưởng của hội chứng CVS. Trẻ em khi được tiếp xúc nhiều với máy tính bảng, điện thoại quá lâu cũng có thể bị hội chứng CVS. Đặc biệt khi sử dụng các thiết bị điện tử trong môi trường thiếu ánh sáng hoặc tư thế ngồi của trẻ không đúng.
Có thể bạn cảm thấy khó tin nhưng thật sự màn hình máy tính mà chúng ta đối diện mỗi ngày đang gây hại cho đôi mắt. Nó không gây hậu quả ngay lập tức mà về lâu dài những dấu hiệu mới dần xuất hiện. Lúc này bạn đang tự hỏi làm thế nào mà máy tính có thể ảnh hưởng đến thị giác của con người? Cùng tìm hiểu những thông tin sau đây để tìm câu trả lời.
Máy tính đã ảnh hưởng đến thị giác của con người như thế nào?
Hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính (CVS) tương tự như hội chứng ống cổ tay. Điều này có nghĩa nó cũng giống như các chấn thương (lặp đi lặp lại) khác mà bạn có khả năng gặp phải trong công việc. Hội chứng CVS hình thành do sự chuyển động lặp đi lặp lại của đôi mắt khi làm việc với máy tính suốt 1 thời gian dài.
Khi bạn liên tục nhìn vào máy tính, đôi mắt của bạn phải tập trung trong 1 khoảng thời gian dài. Lúc này mắt của bạn thường xuyên di chuyển qua lại từ máy tính đến những thứ khác xung quanh như văn bản. Đồng thời mắt cũng phản ứng với những hình ảnh thay đổi liên tục trên màn hình máy tính.
Mặc dù những công việc làm trên máy tính trông có vẻ dễ dàng nhưng thực tế nó đòi hỏi đôi mắt phải làm việc cật lực. Sau đây là một số nguyên nhân gây nên hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính (CVS).
Nguyên nhân gây ra hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính?
Hội chứng rối loạn thị giác hay còn gọi là hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số không có duy nhất 1 nguyên nhân. Hội chứng này hình thành do tập hợp nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau đây là 1 số nguyên nhân phổ biến của hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính:
- Không sử dụng kính đọc sách hoặc kính chống lóa khi làm việc với máy tính thường xuyên.
- Gia tăng tuổi tác.
- Các tật khúc xạ gây ảnh hưởng thị giác.
- Ánh sáng kém.
- Nhìn liên tục vào các màn hình kỹ thuật số.
- Tư thế hoặc khoảng cách không đúng khi làm việc với máy tính.
Vì CVS không phải là một căn bệnh cụ thể mà là 1 hội chứng liên quan đến thị giác khi dùng máy tính. Do đó để xác nhận việc có bị CVS hay không cần dựa vào một số dấu hiệu và triệu chứng sau đây.
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng CVS
Sau đây là các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến liên quan đến hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính:
- Nhìn mờ hoặc nhìn sự vật từ 1 thành 2.
- Mỏi mắt.
- Hiện tượng các đốm đen bay trước mắt.
- Khô rát, nóng mắt.
- Mắt có thể đỏ và chảy nước.
- Mắt bị kích thích.
- Nhức đầu.
- Đau lưng hoặc cổ.
Nếu bạn phát hiện bản thân đang gặp các dấu hiệu trên đây, rất có khả năng bạn đang bị hội chứng CVS. Cách tốt nhất bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chính xác.
Vậy khi có các dấu hiệu trên bác sĩ sẽ dùng phương pháp xét nghiệm nào để có thể chẩn đoán hội chứng CVS?
Cách chẩn đoán hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính (CVS)
Các bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chẩn đoán tình trạng của bạn bằng cách tiến hành kiểm tra mắt. Họ sẽ chú ý đặc biệt đến hoạt động và phản ứng của mắt với các khoảng cách khác nhau từ màn hình máy tính.
Bác sĩ có thể hỏi bạn về các triệu chứng, thời gian bạn làm việc trước màn hình máy tính để chẩn đoán chính xác.
Sau khi chẩn đoán mắc hội chứng CVS, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện 1 số thay đổi đơn giản trong phong cách làm việc. Sau đây là một số biện pháp được sử dụng phổ biến trong việc điều trị hội chứng CVS.
Những phương pháp điều trị hội chứng CVS
Một khi bạn được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính, điều quan trọng bạn cần thường xuyên gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để ngăn thị lực xấu đi.
Bác sĩ sẽ kê toa gồm kính hoặc kính áp tròng theo yêu cầu của bạn. Bạn có thể được tặng 1 cái kính bình thường để đeo trong khi nhìn vào màn hình máy tính. Hoặc nếu muốn bạn có thể yêu cầu lấy cặp kính đặc biệt chẳng hạn như kính chống chói. Những loại kính 1 tròng, 2 tròng hoặc ống kính màu có thể được chỉ định dùng để tăng độ tương phản trong khi lọc ánh sáng chói.
Thực hiện 1 số thay đổi đơn giản dưới đây cho không gian làm việc của mình để hạn chế hội chứng CVS:
- Nếu thấy ánh sáng làm việc trên máy tính quá chói, bạn cần thay đổi ngay lập tức.
- Bạn cũng có thể di chuyển máy tính sang vị trí thích hợp nếu ánh sáng từ cửa sổ gần đó gây chói mắt.
- Cài đặt công tắc điều chỉnh độ sáng đối với các đồ đạc trên cao phòng trường hợp chúng phát ra ánh sáng chói trên màn hình của bạn.
- Sắp xếp lại bàn làm việc sao cho màn hình máy tính nằm dưới tầm mắt và cách mắt bạn 50 – 60 cm.
- Hãy để mắt bạn nghỉ ngơi bằng cách sau 20 phút thì nên rời mắt khỏi màn hình. Sau đó nhìn vào các đồ vật cách mắt khoảng 20 feet (6 cm) trong 20 giây. Người ta gọi đây là quy tắc 20-20-20.
- Chỉnh kích thước phông chữ và độ sáng của màn hình máy tính để bạn không phải căng mỏi mắt nhiều.
Toàn bộ những thay đổi tuy đơn giản này nhưng có thể đem lại điều kỳ diệu cho thị giác của bạn về lâu dài. Thay đổi thói quen chính là cách đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe đôi mắt.
Ngoài các cách điều trị trên, bạn cần biết một số cách để phòng ngừa bản thân bị hội chứng CVS. Sau đây là 1 số mẹo để ngăn ngừa hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính (CVS).
Một số mẹo phòng ngừa hội chứng CVS
Bạn không cần cắt giảm toàn bộ thời gian làm việc với màn hình máy tính để ngăn hội chứng CVS xuất hiện trở lại. Chỉ 1 số thay đổi sau đây về cách sử dụng máy tính có thể giúp bạn dễ dàng ngăn cản CVS quay lại hơn.
- Sử dụng màn hình chống chói hoặc màn hình nhám cho máy tính, điện thoại cũng như máy tính bảng.
- Thực hiện quy tắc 20 – 20 – 20 khi làm việc trên máy tính.
- Cứ sau 2 tiếng làm việc với máy tính liên tục bạn nên nghỉ ngơi khoảng 15 phút.
- Nếu mắt có xu hướng khô thường xuyên, hãy sử dụng nước mắt nhân tạo. Cách này rất hiệu quả trong việc hạn chế khô mắt khi làm việc với máy tính.
- Đặt máy tạo độ ẩm trong phòng hoặc nơi làm việc sao cho gần với màn hình máy tính để tránh mắt bị khô.
- Đảm bảo ánh sáng nơi làm việc đủ sáng cho màn hình máy tính của bạn.
- Nếu bạn là người sử dụng kính áp tròng, hãy đeo kính thường trong khi sử dụng màn hình máy tính.
- Nếu công việc của bạn thường xuyên làm việc với máy tính thì bạn cần tạo thói quen gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra mắt.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh giàu vitamin và khoáng chất khác nhau. Các thực phẩm giàu vitamin A, C, E, và omega-3 rất tốt cho đôi mắt.
- Thực hành các bài tập về mắt như chớp mắt từ từ, đảo mắt theo chiều kim đồng hồ hoặc đơn giản là nhìn xa trong vài giây mỗi tiếng làm việc.
Tư thế ngồi và khoảng cách trước màn hình máy tính cũng đóng 1 vai trò quan trọng khi điều trị hội chứng rối loạn thị giác do sử dụng máy tính. Một số cách sau đây sẽ giúp bạn có tư thế ngồi đúng khi làm việc trên máy tính.
Điều chỉnh tư thế ngồi thích hợp khi sử dụng máy tính
Bạn cần tuân thủ những bước sau đây để đảm bảo có tư thế ngồi làm việc không ảnh hưởng đến mắt.
- Ngồi sát bàn phím và đặt nó ngay trước người bạn.
- Điều chỉnh tư thế bấm bàn phím sao cho vai được thư giãn trong khi cổ tay và bàn tay song song với bàn phím.
- Sử dụng gối kê cổ tay khi dùng chuột cũng đem lại hiệu quả.
- Ngồi cách màn hình máy tính khoảng cách từ 50 – 60 cm.
- Đặt màn hình máy tính dưới tầm mắt của bạn.
- Trọng tâm của màn hình ít nhất thấp hơn 10 – 15 độ so với tầm mắt của bạn.
- Nghỉ giải lao tầm 15 phút sau mỗi 1 – 2 tiếng làm việc liên tục trên máy tính.
- Không sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào trong giờ nghỉ giải lao của bạn.
Việc tuân thủ tư thế ngồi theo hướng dẫn trên đây sẽ giúp hạn chế khả năng mắc hội chứng CVS. Đồng thời bảo vệ cả vai, cổ và tay hạn chế được nhiều bệnh do làm việc trên máy tính.
Trong thời đại công nghệ 4.0 việc con người không tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử là điều rất khó. Tuy nhiên đôi mắt là bộ phận quan trọng mà con người không thể không quan tâm. Chỉ cần 1 vài điều chỉnh nhỏ trong lối sống và cách làm việc là đủ để bảo vệ sức khỏe đôi mắt. Đồng thời giúp đôi mắt đồng hành cùng bạn trong 1 chặng đường dài phía trước.
Để lại một bình luận