Ho khan là một tình trạng phổ biến ở trẻ, nhất là trong giai đoạn dưới 10 tuổi. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến bé bị ho? Có phương pháp nào điều trị tại nhà khi bé mắc phải chứng ho khan? Hãy cùng Resolutebay tìm hiểu cụ thể hơn qua những thông tin chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!
Ho khan là gì?
Theo y khoa, đây là chứng ho không đờm, không kèm theo bất kỳ chất nhầy nào. Những lúc này, bạn sẽ thấy bé thường hay ho một cách đột ngột, trong đó kèm theo tiếng ồn lớn và một luồng khí thoát ra khỏi phổi. Ho khan có thể là tín hiệu cho thấy bé đang mắc một số bệnh tiềm ẩn bên trong cơ thể và cần phải kịp thời chẩn đoán để chữa trị.
Một số điều cần lưu ý về ho khan ở trẻ
Bé có thể bị ho do nhiều nguyên do. Ở giai đoạn mà hệ miễn dịch vẫn chưa phát triển hoàn thiện, cơ thể bé sẽ rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các chất gây dị ứng, chất kích thích, từ đó dẫn đến ho.
Đôi lúc bé sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và đau đớn vì áp lực mỗi lần ho. Trong một số trường hợp, cơn ho kéo dài và nghiêm trọng cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và chế độ sinh hoạt thường ngày. Hơn nữa, bé sẽ thường xuyên cáu kỉnh, khó chịu, hay khóc và nhăn mặt.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng là một cơ chế hoạt động của cơ thể. Nó có nghĩa là bé đang cố gắng tự bảo vệ mình khỏi những tác động bên ngoài và các vật thể lạ. Ho sẽ giúp đẩy những chất bẩn trong luồng khí được đưa vào phổi ra ngoài. Còn nếu bé bị cảm lạnh thì đây được xem là một cách để bé dọn sạch mọi chất gây kích thích, vi khuẩn gây bệnh trong cổ họng.
Nguyên nhân gây ho khan ở trẻ
Như đã đề cập trước đó, có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng ho khan ở trẻ. Điều này phụ thuộc vào môi trường sống xung quanh, chế độ ăn uống nghỉ ngơi cũng như sức đề kháng của bé. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
Cảm lạnh thông thường:
Thông thường, ho khan là triệu chứng xảy ra khi bé bị cảm lạnh. Bệnh lý này là do bé bị nhiễm phải một loại virus ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé, từ đó dẫn đến một sự kích thích nhẹ hoặc cảm giác nhột trong cổ họng và gây ho. Sau khi trải qua vài ngày cảm lạnh, bé sẽ chuyển dần qua ho có đờm.
Cảm cúm
Virus cúm cũng có thể gây ra một số triệu chứng giống hệt như các triệu chứng cảm lạnh, trong đó có ho khan. Khi bé còn nhỏ, những dấu hiệu này sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Cũng giống như cảm lạnh thông thường, khi cảm cúm dần khỏi, bé sẽ chuyển sang ho có đờm.
Chất kích thích từ môi trường xung quanh
Bé trong giai đoạn dưới 10 tuổi rất nhạy cảm, đặc biệt là với các chất kích thích, không khí bẩn. Hệ miễn dịch của bé lúc này chưa đủ mạnh để chống lại những tác nhân gây bệnh bên ngoài. Cùng là một môi trường sống nhưng bé có khả năng bị vi khuẩn xâm nhập cao hơn bạn.
Một số thủ phạm phổ biến nhất gây ra ho khan là khói thuốc lá, thời tiết khô và nóng hoặc mùi hóa chất. Chúng làm cho cổ họng bé bị khô, ngứa và buộc phải ho để đẩy các tác nhân ra ngoài..
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Khi bé mắc phải chứng trào ngược, thức ăn bên trong dạ dày cùng các loại axit khác nhau sẽ di chuyển ngược về phía thực quản, gây ra cảm giác nóng rát ở cổ họng và đường hô hấp, từ đó dẫn đến ho khàn.
Ho gà
Dựa theo các nghiên cứu y khoa, ho gà là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trong đường hô hấp gây ra, cực kỳ dễ lây lan. Lúc này, bạn sẽ thấy bé có triệu chứng ho khá mạnh và dai dẳng. Thông thường những bé mắc chứng bệnh này sẽ đồng thời bị ho khan. Đôi khi nó còn khiến bé cảm thấy khó thở. Nếu ho quá khô, mạnh và kéo dài, nó cũng có thể dẫn đến các triệu chứng khác như nhợt, chảy nước mắt, …
Làm thế nào để điều trị ho khan ở trẻ?
Ho khan ảnh hưởng đến sức khỏe của bé theo nhiều khía cạnh khác nhau. Để chắc chắn rằng bé được điều trị đúng cách, bạn phải đảm bảo xác định được chính xác nguyên nhân. Tùy thuộc vào lý do, bác sĩ sẽ tiến hành đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau:
Ho khan do cảm lạnh
Nếu lý do khiến bé ho khan là cảm lạnh thông thường, bạn không cần quá lo lắng vì có thể áp dụng ngay các biện pháp điều trị tại nhà, kết hợp làm giảm ho và cảm lạnh.
Ho khan do cúm
Bạn thường rất căng thẳng khi bé bị cảm cúm nên sẽ nhanh chóng tìm tất cả các cách để chữa trị. Tuy nhiên, bạn phải tuyệt đối tránh sử dụng kháng sinh, nếu không thật sự cần thiết.
Trừ khi tình trạng ho quá nghiêm trọng hoặc đã diễn ra quá nhiều ngày, bác sĩ hầu hết sẽ khuyên bạn nên điều trị đơn giản tại nhà, nghỉ ngơi và ăn uống lành mạnh.
Luôn đảm bảo rằng bạn cung cấp đủ nước cho bé hàng ngày. Nếu bé vẫn chưa cai sữa mẹ, cố gắng cho bé bú thường xuyên. Ngoài ra, khi bé đã bắt đầu ngừng bú, bạn có thể dùng thêm các loại nước ép và súp.
Ho khan do chất kích thích từ môi trường
Cách tốt nhất để bảo vệ bé khỏi ho khan xảy ra do các tác nhân gây kích ứng từ môi trường xung quanh chính là tránh xa chúng.
Nếu bạn sống ở vùng khí hậu lạnh và khô, có thể sử dụng các thiết bị tạo nhiệt để giữ ấm. Ngoài ra, để ngăn không khí trở nên quá nóng và khô, hãy sử dụng máy làm ẩm phun sương mát trong phòng ngủ hoặc nơi bé dành phần lớn thời gian chơi đùa. Bạn nên lưu ý rằng nấm mốc và vi khuẩn có thể phát triển mạnh ở các bộ lọc của thiết bị. Vì vậy, bạn cần phải vệ sinh chúng thường xuyên. Nếu máy được sử dụng lâu, bạn nên cân nhắc thay bộ lọc mới.
Khi thời tiết không quá lạnh, hãy mở các cửa sổ để không khí bên ngoài đi vào và khiến căn phòng thoáng mát hơn.
Không chỉ vậy, bạn phải hạn chế để bé tiếp xúc với khói thuốc lá và các loại khói bụi khác. Không sử dụng bất kỳ chất làm mát phòng, nước hoa, chất khử mùi hoặc thuốc xịt khác trong nhà vì chúng không chỉ gây ra ho khan mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe bé.
Cho bé mặc đồ rộng, thoải mái và tốt nhất là dùng chất liệu cotton. Khi ho, bé sẽ phải chịu một áp lực lớn, mặc quần áo rộng cho phép lưu thông không khí, hạn chế tình trạng khó thở, đồng thời thấm hút mồ hôi tốt để cảm thấy thoải mái hơn.
Ho khan do trào ngược dạ dày thực quản
Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trước tiên bác sĩ sẽ khám cho bé, sau đó kê một số loại thuốc sẽ giúp giảm tình trạng bệnh, đồng thời giảm ho khan.
Ho khan do ho gà
Với tình trạng này, hầu hết các bác sĩ sẽ cho bé dùng một số loại kháng sinh nhất đinh bằng cách tiêm hoặc nhỏ giọt qua tĩnh mạch. Trong trường hợp bé chưa đủ 1 tuổi, tốt nhất bạn nên tiến hành nhập viện để tiện theo dõi và kịp thời xử lý. Chứng ho này thường cực kỳ dai dẳng và rất dễ gây nghẹn thở ở trẻ. Do đó, khi ở trong bệnh viện, bé sẽ được giám sát y tế chặt chẽ và hỗ trợ mặt nạ cung cấp oxy.
Vì ho gà là một tình trạng cực kỳ dễ lây lan, bé cũng cần được cách ly để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Khi tình hình trở nên nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho bé dùng thuốc corticosteroid để hạn chế viêm trong đường dẫn khí, giúp dễ thở hơn và giảm nguy cơ nghẹt thở. Thuốc corticosteroid sẽ dùng trong tĩnh mạch tương tự như kháng sinh.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề nghị bạn sử dụng ống tiêm bóng đèn – một thiết bị nhỏ có thể cầm trên tay và hút chất nhầy ra khỏi mũi bé.
Mẹo để giữ cho bé thoải mái trong khi bị ho khan
Khi bé bị ho, các thói quen sinh hoạt thường ngày có thể sẽ thay đổi. Bé gặp khó khăn trong việc ăn uống, không muốn ăn hoặc thậm chí ngủ trễ, đang ngủ thì tỉnh giấc và ho sặc sụa. Vậy làm thế nào để khiến bé cảm thấy thoải mái hơn?
Trước hết, bạn nhất định phải cho bé uống nước đầy đủ để ngăn ngừa tình trạng khô đường thở. Nếu chưa cai sữa, bạn có thể thường xuyên cho bé ngậm vú. Bởi vì khi đó, bé hầu như sẽ quên đi cảm giác khó chịu. Các bữa ăn trong ngày cần được chia nhỏ ra. Khi ăn giữ lưng bé ngồi thẳng và vỗ lưng nhẹ để bé dễ nuốt thức ăn, tránh bị sặc.
Bé ho khan thường cảm thấy khó ngủ. Do đó, bạn nên tạo không gian yên tĩnh, thoáng mát cho bé. Đóng rèm cửa và loại bỏ bất kỳ tiếng ồn nào có thể làm bé thức giấc; giữ cho giường ngủ sạch sẽ, mềm mại. Ngoài ra, bạn cũng nên cho bé mặc đồ rộng rãi và thoải mái, lý tưởng cho lúc ngủ.
Ho khan có thể làm tăng nguy cơ nghẹt thở, vì vậy điều quan trọng là bạn không được để bé một mình, nhất là trong lúc ngủ. Hãy luôn ở bên cạnh và quan sát bé lúc ngủ, vỗ về nhẹ nhàng những khi cựa quậy, sắp tỉnh giấc.
Một số biện pháp chữa trị ho khan cho trẻ
Khi bé bị ho khan, các biện pháp điều trị an toàn tại nhà luôn được ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên, điều quan trọng hơn hết là bạn phải đưa bé đến bác sĩ để xác định nguyên nhân và tham khảo một số cách giảm ho hiệu quả cũng như xây dựng chế độ ăn uống phù hợp.
Trong trường hợp bạn cho bé uống thuốc trị ho khan tại nhà nhưng không thể nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, hoặc nếu tình trạng trở nên tồi tệ hơn, hãy nhanh chóng liên hệ đến bác sĩ để được tư vấn.
Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tại nhà giúp làm dịu cơn ho cho bé mà bạn có thể tham khảo:
Nếu bé nhỏ hơn sáu tháng
Sữa mẹ là một trong những nguồn dinh dưỡng hỗ trợ điều trị tốt chứng ho khan. Bởi vì, các thành phần trong sữa chứa nhiều kháng thể giữ cho bé khỏe mạnh và giúp chống lại các tác nhân gây ho. Đây được xem là phương thuốc hữu hiệu vừa an toàn vừa tiện lợi.
Nếu bé lớn hơn sáu tháng
Nước thì là là một thức uống tốt cho những bé ho khan.
Nguyên liệu: 1 đến 2 muỗng cà phê hạt thì là + Nước
Cách thực hiện:
- Đun sôi 1 ít nước
- Khi nước bắt đầu sôi, thêm hạt thì là vào. Để nước sôi thêm vài phút, tắt bếp và để nguội.
- Lọc bỏ hạt thì là và cho bé uống
Nếu bé lớn hơn 10 tháng
Hỗn hợp các loại thảo dược nấu thành nước sẽ giúp bạn chấm dứt cơn ho khan của trẻ.
Nguyên liệu:
- Gừng
- Lá trầu
- Hạt tiêu đen
- Đường thốt nốt (tùy theo khẩu vị)
- Nước
Cách thực hiện:
- Nghiền mịn hỗn hợp trên (trừ nước).
- Đun sôi nước và thêm các thành phần đã được nghiền mịn vào.
- Tiếp tục đun sôi cho đến khi lượng nước giảm còn 1 nửa.
- Để nguội, lọc nước và cho bé uống
Ho khan tuy là tình trạng phổ biến nhưng tuyệt đối không thể xem nhẹ. Đôi khi ho có thể gây ra nhiều khó chịu cho bé và cũng như dẫn đến các biến chứng khác. Tốt nhất, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc tại nhà mà phải được hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé.
Để lại một bình luận