Bệnh tay chân miệng là một trong những vấn đề thường gặp và dễ lây lan ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường sẽ tự khỏi và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng không mong muốn.
Liệu rằng bạn có thể phòng ngừa hiệu quả bệnh tay chân miệng ở trẻ hoặc nhanh chóng chấm dứt bệnh lý này ngay từ những triệu chứng đầu tiên? Hãy thử tìm hiểu một số biện pháp được chia sẻ của Resolutebay nhé!
Bệnh tay chân miệng (HFMD) ở trẻ là gì?
Đây là một loại bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ. Đúng như tên gọi, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những sự thay đổi bất thường trên miệng, tay, chân của bé. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là sự xuất hiện của một vài vết phồng trong miệng, các đốm đỏ (đôi khi có chất nhầy bên trong) hình thành xung quanh vòm họng.
Sau đó, bạn có thể nhận thấy thêm một vài đốm đỏ giống trên lòng bàn tay và cuối cùng là ở bàn chân. Đây cũng là lúc bệnh trở nên khó điều trị hơn, các vết phát ban hình thành ngày càng nhiều khiến bé cảm thấy vô cùng khó chịu.
Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng là gì?
Bất kỳ virus nào thuộc nhóm enterovirus đều có thể gây ra bệnh HFMD. Một số loại virus enterovirus có nguy cơ mang đến mầm bệnh tay chân miệng nhiều nhất là coxsackievirus A16 và enterovirus 71. Theo thống kê trước đó, Coxsackievirus A16 thường là nguyên nhân của dịch bệnh HFMD ở Bắc Mỹ, còn enterovirus 71 là ở khu vực Đông và Đông Nam Á.
Bé bị lây nhiễm virus tay chân miệng như thế nào?
Virus HFMD cực kỳ dễ lây lan. Dưới đây là một số con đường mà bé có thể bị nhiễm phải loại virus này:
- Tiếp xúc với da của người bị nhiễm bệnh: Bé hoàn toàn có thể mắc phải tay chân miệng nếu từng để người bệnh ôm, nắm tay, …
- Hít phải luồng không khí có chứa virus: Theo y khoa, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ lây lan rất cao. Trong trường hợp người nhiễm hắt hơi hoặc ho, môi trường không khí xung quanh đó cũng sẽ tồn tại virus gây bệnh. Do vậy, nếu bé hít phải luồng hơi này, khả năng mắc bệnh là không hề nhỏ.
- Không vệ sinh sạch sẽ sau khi chạm vào phân: Đây là một nguyên nhân phổ biến khiến bé nhiễm phải bệnh tay chân miệng. Để bé tiếp xúc trực tiếp với phân hoặc thậm chí là đất có lẫn phân mà không rửa sạch tay chân sau đó tức là bạn đang tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể bé.
- Thực phẩm và nước bị ô nhiễm
- Chạm vào những bề mặt bị ô nhiễm: Virus cũng có thể tồn tại ở bất kỳ nơi nào xung quanh bé như đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa hoặc thậm chí là cả áo quần mặc thường ngày.
- Dùng chung dụng cụ cá nhân: Bé có thể bị nhiễm virus nếu dùng chung đồ dùng với người bị nhiễm bệnh như khăn, ly uống nước, chén, bát, …
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở độ tuổi nào của bé?
Theo nghiên cứu của các bác sĩ, loại bệnh truyền nhiễm này có tần suất xuất hiện nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ trong giai đoạn tập đi hơn là các bé đã lớn. Bệnh phổ biến vào mùa hè và mùa đông.
Các triệu chứng của bệnh ở trẻ sơ sinh
Virus HFMD có thời gian ủ bệnh từ ba đến sáu ngày. Điều đó có nghĩa là Sau khi nhiễm phải virus thì khoảng 3 – 6 ngày sau, bạn mới bắt đầu nhận thấy các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Khi đó, bé sẽ có một số dấu hiệu như sau:
- Sốt: Đây thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Do vậy, nếu bạn thấy bé bỗng dưng bị sốt, những cơn sốt 38oC kéo dài khiến bé quấy khóc thì tốt nhất nên đưa bé đến gặp bác sĩ.
- Xuất hiện các vết loét trong miệng: Khoảng một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, trong khoang miệng, nướu, lưỡi hoặc vòm họng của bé dần xuất hiện các đốm đỏ hoặc mụn nước nhỏ xíu, chứa chất lỏng (có thể là mủ) bên trong miệng.
- Phát ban ở bàn tay và lòng bàn chân: Các vết phát ban ở bàn tay và bàn chân dần dần mọc lên trong hai đến ba ngày. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bàn tay hoặc bàn chân nhưng chủ yếu tập trung ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các mụn nước nhỏ có màu đỏ đến hồng, hình dạng không đều, và rải rác xung quanh mà không có bất kỳ mô hình. Đôi khi, bạn có thể nhận thấy phát ban ngay cả trên đầu gối, khuỷu tay, mông và vùng háng / tã.
- Đau khi nuốt: Bạn sẽ thấy bé có biểu hiện nhăn mặt khi nuốt thức ăn hoặc bú sữa, thậm chí ăn ít hơn trước và không đòi bú mẹ thường xuyên nữa.
- Mất cảm giác ngon miệng: Bởi vì bé cảm thấy đau khi nuốt sữa hoặc thức ăn nên sẽ cảm thấy ngán ăn, không muốn ăn hoặc uống bất cứ gì.
- Mệt mỏi, thờ ơ: Những lúc này, bé không còn hứng thú chơi đùa như trước nữa, không quan tâm đến cả những món đồ chơi hoặc chương trình yêu thích. Đôi khi, bạn cố tạo tiếng cười cho bé nhưng bé cũng không tỏ ra hào hứng.
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng rất dễ khiến bạn nhầm lẫn thành những loại bệnh khác như thủy đậu, mụn rộp hoặc viêm họng liên cầu khuẩn. Do vậy, bạn nên đưa bé đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ được chẩn đoán như thế nào?
Dưới đây là những bước chẩn đoán đối với bệnh lý này:
- Kiểm tra bằng mắt: Bác sĩ sẽ quan sát một số triệu chứng bên ngoài của bé như mụn nước xuất hiện ở miệng, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Xét nghiệm vòm họng: Bác sĩ tiến hành lấy một mẫu nước bọt ở miệng và vòm họng để xét nghiệm.
- Xét nghiệm phân: Do virus tay chân miệng được bài tiết qua phân, bác sĩ sẽ gửi mẫu phân của bé để kiểm tra liệu rằng có sự xuất hiện của virus hay không.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này sẽ xác nhận chính xác sự hiện diện của virus và các kháng thể liên quan trong máu.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ được điều trị như thế nào?
Cho đến nay, vẫn không có loại thuốc nào điều trị trực tiếp bệnh lý này. Thuốc kháng sinh không có tác dụng bởi vì bệnh tay chân miệng bị gây ra bởi virus chứ không phải vi khuẩn. Phương pháp điều trị phổ biến nhất vẫn là thúc đẩy hệ miễn dịch của bé trở nên khỏe mạnh hơn để có thể tự tiêu diệt các virus gây bệnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ bé có thể gợi ý một số loại thuốc hỗ trợ giảm bớt các triệu chứng bên ngoài như:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Toa thuốc acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen giúp làm dịu những cơn sốt, đồng thời giảm đau rát do mụn nước gây ra. Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bé mà bác sĩ sẽ kê liều lượng thuốc phù hợp.
- Gây tê miệng: Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc gây tê miệng trong trường hợp bé quá đau nhức. Tuy nhiên, tuyệt đối không được sử dụng tùy tiện mà phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, dùng thuốc theo đúng đơn mà bác sĩ đã kê.
Điều quan trọng nhất chính là bạn phải đảm bảo nhà cửa luôn sạch sẽ, cách ly những đồ dùng, vật dụng của bé để giữ an toàn tối đa, giúp bé phục hồi nhanh chóng.
Nếu bé bị tay chân miệng, làm thế nào để bé cảm thấy tốt hơn khi ở nhà?
Bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây:
- Cho bé uống nhiều nước: Mụn nước và sốt cao sẽ khiến bé rơi vào tình trạng mất nước rất nhiều. Do đó, bạn phải thường xuyên cho bé uống nước, sữa nhằm cung cấp lượng nước đủ cho cơ thể bé mỗi ngày, giảm sự khó chịu. Bạn cũng có thể làm mát sữa hoặc nước để khi uống, bé sẽ thấy dịu hơn, không bị đau rát. Lưu ý, không nên bổ sung nước ép cho bé vì lượng đường hóa học nhiều.
- Chuyển sang chế độ ăn lỏng: Thay vì cho bé ăn thức ăn đặc như thông thường, bạn nên xay nhuyễn bữa ăn (kể cả rau, thịt, cá) để bé dễ nuốt hơn, vừa cung cấp đủ chất dinh dưỡng vừa tránh gây khó chịu cho bé khi ăn.
- Chia làm nhiều phần ăn nhỏ trong ngày: Như vậy sẽ khiến bé dễ ăn hơn rất nhiều. Thông thường, kể cả khi bé không bị bệnh, bạn vẫn nên cho bé ăn theo cách này, giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh và hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
- Cho bé nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi đầy đủ cho phép hệ thống miễn dịch của cơ thể bé hoạt động tốt hơn, và như vậy sẽ giúp khỏi bệnh nhanh hơn.
Bệnh thường hết sau ba đến năm ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể kéo dài đến hai tuần. Khi bệnh bắt đầu khỏi, mụn nước sẽ dần khô lại và rụng đi, các vết loét trong miệng sẽ biến mất.
Đối với những bé mà bệnh tay chân miệng kéo dài đến 2 tuần, hệ miễn dịch của bé đang hoạt động không hiệu quả. Bạn nên quan sát bé nhiều hơn và tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh các biến chứng về sau.
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng là gì?
Trong một số tình huống, bệnh tay chân miệng quá nặng hoặc không được điều trị kịp thời có thể để lại những biến chứng như sau:
- Mất nước: Đây là kết quả của các vết loét trong miệng khiến bé không ăn uống được và những cơn sốt kéo dài. Nếu bé ít đi tiểu (không đi tiểu quá sáu giờ) và số lượng tã sử dụng ít hơn mọi ngày, điều này có nghĩa là bé đang bị mất nước.
- Mất móng tay tạm thời hoặc móng chân: Nếu vết phồng rộp phun ra bên dưới móng tay hoặc móng chân, bé có nguy cơ bị mất phần móng ở đó. Tuy nhiên, biến chứng này chỉ xảy ra tạm thời, móng sẽ dần mọc lại sau đó.
- Nhiễm trùng: Vì hệ thống miễn dịch đang hoạt động hết công suất để chống lại virus nên bé rất dễ bị lây nhiễm các mầm bệnh khác. Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh tay chân miệng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus và virus sốt xuất huyết.
- Viêm màng não: Biến chứng này rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, nếu virus xâm nhập được vào não, lây nhiễm tới màng não, bé sẽ có khả năng cao bị viêm màng não.
- Viêm não: Dù từ trước đến nay, hầu như chưa có trường hợp nào bị viêm não do bệnh tay chân miệng, nhưng điều này không phải là không thể. Do vậy, bạn vẫn nên cẩn thận, thường xuyên theo dõi các biểu hiện của bé và đưa bé đến ngay bệnh viện nếu nhận thấy có bất kỳ điều gì khác thường.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ?
Để giảm thiểu tỷ lệ mắc phải bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ em, bạn nên chú trọng đến một số điều dưới đây:
- Rửa tay cho bé: Luôn rửa tay cho bé bằng nước ấm và xà phòng sau chuyến đi chơi, đặc biệt là những lần đi chơi công viên hoặc ngoài trời. Hơn nữa, bạn có thể sử dụng loại nước rửa tay dành riêng cho bé, vừa dịu nhẹ vừa có khả năng diệt khuẩn tốt.
- Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho: Một lưu ý rằng, người lớn có thể đang nhiễm phải virus gây bệnh nhưng hệ miễn dịch của chúng ta đủ mạnh để tiêu diệt chúng. Điều này khiến cho các triệu chứng bệnh không bộc lộ ra ngoài. Tuy nhiên, đối với hệ miễn dịch còn non nớt của bé thì khác. Bởi vậy, khi hắt hơi hoặc ho, tốt nhất, bạn nên tránh xa bé, che miệng và vệ sinh sạch tay nếu muốn tiếp xúc với bé.
- Khử trùng các vật dụng cá nhân của bé và đồ dùng trong gia đình: Lau đồ chơi cho bé bằng một miếng vải có thấm dung dịch sát trùng pha loãng, đảm bảo an toàn. Làm sạch đồ đạc trong nhà, đặc biệt là những món đồ, vị trí mà bé thường hay tiếp xúc như nệm, nắm tay cửa, …
- Không dùng chung đồ dùng với bé: Bé rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tối đa, bạn nên tách biệt các dụng cụ, đồ dùng của bé, vệ sinh thường xuyên và cất ở những nơi khô thoáng, sạch sẽ.
Những câu hỏi thường gặp về bệnh tay chân miệng ở bé
- Cha mẹ có thể bị nhiễm tay chân miệng từ bé không?
Điều này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, virus bệnh tay chân miệng nhiều khi đã bị tiêu diệt từ những triệu chứng đầu tiên. Cách tốt nhất để giữ an toàn cho cả gia đình chính là phải bổ sung đầy đủ dưỡng chất, xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Bé có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần hay không?
Câu trả lời là có. Nhưng, ở những lần sau, cơ thể đã hình thành một cơ chế mạnh mẽ chống lại các loại virus đó. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
- Bé có thể nhiễm bệnh từ động vật không?
Đây là điều hoàn toàn không thể, bởi vì virus gây ra bệnh tay chân miệng chỉ có thể lây nhiễm qua người.
Bệnh tay chân miệng tuy là bệnh xảy ra rất phổ biến nhưng lại ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của bé. Khi vừa phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, bạn nên cho bé đến bác sĩ, tiến hành khám và chẩn đoán chính xác, sau đó lên kế hoạch điều trị tại nhà nhằm mang lại sự thoải mái cho bé, nhanh chóng chấm dứt bệnh lý này. Một điều quan trọng hơn nữa cần lưu ý là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do vậy, bạn phải thực sự chú trọng việc chăm sóc bé mỗi ngày.
Để lại một bình luận