Bạn có biết trên thế giới có khoảng 10% người mắc chứng bệnh rối loạn nhân cách. Căn bệnh này nói về những người có lối sống, cách cư xử và phản ứng khác biệt hoàn toàn người bình thường. Tuy nhiên nó không đủ những triệu chứng để xếp vào bệnh tâm thần.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là một loại rối loạn nhân cách khiến người bệnh nảy sinh sự nghi ngờ vô lý về người khác. Nếu bạn quan sát thấy một người liên tục nghi ngờ người khác trong các mối quan hệ. Hoặc họ quá nhạy cảm với những lời chỉ trích thì có khả năng cao người ấy đang bị PPD. Những thông tin sau của Resolute Bay sẽ giúp bạn hiểu rõ căn bệnh này và các phương pháp điều trị.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng là gì?
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là một loại rối loạn nhân cách khiến người bệnh cư xử kỳ quặc hoặc lập dị trong suy nghĩ. Rối loạn nhân cách được chia thành 3 nhóm A, B và C khác nhau. Trong đó PPD được xếp vào nhóm A là nhóm lập dị/kỳ quái.
Những người bị PPD thường hay hoang tưởng. Điều này dẫn đến việc họ thường xuyên không ngừng nghi ngờ người khác ngay cả khi không có lý do cần thiết.
Một dấu hiệu khác của rối loạn nhân cách hoang tưởng là việc họ thường miễn cưỡng tâm sự với người khác và dễ mang hận thù. PPD thường xuất hiện trong những năm đầu mới trưởng thành và phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
Sau đây là một số dấu hiệu và triệu chứng chính liên quan đến rối loạn nhân cách hoang tưởng.
Các triệu chứng của rối loạn nhân cách hoang tưởng
Những người bị PPD thường xuyên cảnh giác, nghi ngờ vì họ tin rằng những người khác đang cố gắng hạ thấp, đe dọa hoặc làm hại họ. Niềm tin vô căn cứ này cản trở người bệnh xây dựng và sở hữu những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống.
Các triệu chứng của một người bị PPD là:
- Tin chắc rằng những người khác đang cố làm hại hoặc hạ thấp họ.
- Nghi ngờ sự trung thành, lời hứa hẹn và sự tin cậy của người khác.
- Miễn cưỡng khi phải tâm sự với người khác.
- Quá nhạy cảm khi nghe những lời chỉ trích.
- Dễ dàng nổi giận hoặc hận thù người khác.
- Thường xuyên nghi ngờ với cả vợ/chồng hoặc người yêu mà không có lý do.
- Trong các mối quan hệ luôn lạnh lùng và có khoảng cách.
- Khó thoải mái, thư giãn.
Trên đây là một số đặc điểm thường thấy ở những người bị PPD. Sau đây chúng ta sẽ xem xét các yếu tố dẫn đến việc hình thành rối loạn nhân cách hoang tưởng.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng?
Hiện tại y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của PPD. Tuy nhiên bệnh có thể liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố sinh học, môi trường và tâm lý.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng thường thấy ở những người mà người thân của họ có tiền sử bị tâm thần phân liệt và các bệnh rối loạn nhân cách khác.
Chấn thương cảm xúc hoặc thể chất từ thời thơ ấu là yếu tố góp phần hình thành và phát triển của bệnh PPD.
Bạn nghĩ rằng bạn (hoặc những người thân thiết) đang biểu hiện những triệu chứng của rối loạn nhân cách hoang tưởng? Cách tốt nhất chính là đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Những cách chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng
Khi bạn đến gặp bác sĩ, họ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi các câu hỏi về những triệu chứng, bệnh sử của bạn và gia đình.
Họ có thể tiến hành kiểm tra thể chất để tìm kiếm những yếu tố khác ảnh hưởng đến bạn. Nếu kiểm tra phát hiện các triệu chứng liên quan đến PPD, bác sĩ sẽ gửi bạn đến 1 nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để kiểm tra thêm.
Chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ đánh giá toàn diện hoặc chi tiết về bạn. Họ sẽ hỏi thời thơ ấu, công việc, trường học và các mối quan hệ của bạn. Một tình huống tưởng tượng có thể được đưa ra để bạn trả lời. Qua đó họ sẽ đánh giá phản ứng, cách bạn đối phó các tình huống khác nhau. Sau đó họ sẽ tổng hợp và đưa ra kết quả cuối cùng.
Nếu bạn được xác nhận mắc bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng, bác sĩ sẽ thảo luận và lập kế hoạch điều trị cho bạn.
Cách điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng
Một điều khó khăn của việc chữa trị bệnh PPD là hầu hết họ đều không muốn tiếp nhận điều trị. Tuy nhiên may mắn là việc điều trị PPD vẫn đem lại thành công cao.
Những người sẵn sàng tiếp nhận điều trị PPD có thể áp dụng liệu pháp trò chuyện hoặc tâm lý trị liệu. Các liệu pháp này nhằm mục đích:
- Giúp người bệnh PPD đối phó với chứng rối loạn.
- Dạy họ cách giao tiếp với người khác trong những tình huống xã hội.
- Giảm cảm giác hoang tưởng.
Một số loại thuốc có thể giúp điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng. Các loại thuốc này hoạt động đặc biệt hiệu quả nếu bệnh nhân có những vấn đề tâm lý khác như trầm cảm hoặc lo âu. Những loại thuốc này gồm:
- Thuốc an thần.
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc chống loạn thần.
Việc kết hợp các loại thuốc này với liệu pháp trò chuyện / tâm lý trị liệu có thể quản lý bệnh PPD thành công.
Điều quan trọng là điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng xảy ra.
Những biến chứng của rối loạn nhân cách hoang tưởng là gì?
Những người mắc chứng rối loạn này sống cuộc đời không giống người thường. Các hành vi không bình thường và sự nghi ngờ do bệnh PPD gây ra sẽ can thiệp vào những mối quan hệ của người bệnh. Đồng thời họ cũng bị ảnh hưởng trong các hoạt động xã hội và công việc.
Bạn phải biết rằng không có cách chữa trị hoặc phòng ngừa rối loạn nhân cách hoang tưởng. Các phương pháp điều trị chỉ nhằm mục đích cải thiện những triệu chứng của bệnh. Và người bị PPD có thể phải tiếp tục điều trị suốt cả đời. Do đó hỗ trợ và điều trị có vai trò rất lớn trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp ích cho bạn rất nhiều về căn bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng này. Bản thân và những người trong gia đình của chúng ta đều có thể là nạn nhân của nó. Do đó sớm phát hiện các triệu chứng và gặp bác sĩ chẩn đoán là biện pháp an toàn nhất.
Để lại một bình luận